CHƯ THIÊN

Chư Thiên

 

 

Trong PST số 32 ta đọc một quyển sách về thiên thần, năm ngoái tạp chí The Quest của hội Theosophia Hoa Kỳ số tháng 3 -4, 2005 dành nhiều trang ghi lạị kinh nghiệm  của các hội viên  về chư thiên. Để mở rộng thêm hiểu biết của chúng ta về hoạt động của các ngài, sau đây là tóm lược vài chuyện và xin đề nghị bạn đọc thêm số The Quest nói trên.

 

Brian Marshall

Năm 1975 tôi đến nhà thờ Anh giáo (Episcopal)dự lễ cầu hồn cho một người bạn qua đời vì bệnh tim. Bạn trong lứa tuổi 40, mất đi để lại một vợ và ba con, nhưng tại nhà thờ hôm đó, khách đến dự không hát thánh ca nghiêm trang, trầm buồn như tang lễ thường có mà mọi người cất lời với sự hân hoan vui vẻ. Bầy không khí không có chút sầu não gì và tôi chợt hiểu vì sao. Tôi thấy quanh bàn thờ có hình dạng nhiều vị lấp lánh màu xanh nhạt cao hơn ba thước, đứng dang tay hướng về vị linh mục đang làm lễ. Sau đó mọi người dùng bữa trưa cùng với tang gia, tại bàn ăn vị linh mục điềm đạm trò chuyện còn tôi không nói cho ai nghe về hình ảnh đã chứng kiến. Linh mục nói:

– Thánh lễ mà chúng ta dự không phải cho riêng mình, cũng như thánh ca mà chúng ta xướng lên là xướng cùng với thiên thần.

– Phải, chúng ta ca hát cùng với chư thiên.

Linh mục chỉ cười, không tỏ vẻ ngạc nhiên mà cũng không phản bác.

 

Magaret Nickle

Chiều hôm đó tôi cùng con gái tới dự một buổi ca nhạc ngoài trời ở Central Park tại New York, với danh ca người Ý Luciano Pavarotti sẽ có mặt trình diễn. Chúng tôi đến sớm, trải mền bầy thức ăn ngồi chơi và ngắm cảnh chung quanh. Tôi khám phá là nhóm người ngồi cạnh có quen với bạn của tôi, thành ra chúng tôi cũng thành bạn, nói cười đùa giỡn. Dần dần chuyện lan ra thêm nhiều người chung quanh, và chỗ chúng tôi thành một nhóm nhỏ thân mật. Rồi một người đàn ông đi tới, ông đi có một mình, đứng cạnh cái ghế ở góc trước của mền tôi trải, vẻ mặt bình thản. Ông mỉm cười nhưng không nói tiếng nào, tôi mỉm cười chào lại. Vóc người ông vừa phải, da hơi sậm, nét mặt rất an nhiên và đầy thiện cảm.

Có thêm nhiều người tới và chỗ ngồi chúng tôi bị thu hẹp dần, rồi đám đông có lời qua tiếng lại. Nhóm chúng tôi bị dồn vào sát với nhau, ngồi tùm húm nhưng người đàn ông vẫn đứng ở góc mền, bình tĩnh thản nhiên. 15 phút trước khi buổi ca nhạc bắt đầu, đông người quá khiến chúng tôi không thể ngồi nữa mà đứng dậy người này cạnh người kia, mền đã xếp lại cho vào giỏ. Có xô xát thành lớn chuyện, chai lọ ném vào nhau và rồi có ấu đả, tôi không biết nên chờ để nghe nhạc hay nên bỏ ra về. Chung quanh người ta xô lấn, đẩy, kéo nhau; tôi thấy mình đứng cạnh ông, ông đứng rất thư thái với sự hiền hòa vẫn lộ trên nét mặt, có uy lực tỏa ra quanh ông chừng nửa thước khiến cho không ai đấm đá , lôi kéo ông. Hai mẹ con tôi đứng cạnh ông, và khi nghe xong ba bài hát chúng tôi bỏ ra về.

Hôm sau báo loan tin rằng buổi ca nhạc ấy có tới 350.000 người dự. Rồi tôi nhớ lại là tuy nhóm chúng tôi trò chuyện hỏi han nhau luôn miệng, ông là người duy nhất tôi không hỏi tên mà tôi lại hỏi tên hết mọi người trong nhóm. Ông không nói lời nào, chỉ giúp cho chúng tôi được an toàn. Tôi khám phá ra nét mặt của ông giống như nét mặt các thần linh Ấn Độ, tỏa ra sự bình an và tôi nhớ hoài đến ngày nay cảm giác bình an đó.

 

Judith Buchanan

(Ghi chú: Càng ngày mãnh lực của tư tưởng càng được nhìn nhận và trong việc chữa bệnh, có chủ trương dùng tư tưởng chống trả lại bệnh, như người bệnh tưởng tượng rằng mình tự tay loại bỏ những tế bào ung thư trong cơ thể, đem những tế bào lành mạnh thế chỗ và bao phủ nơi có bệnh hay trọn cơ thể bằng ánh sáng màu thích hợp. Chủ trương ấy được áp dụng trong chuyện này).

Tôi nhận được tin nhà cho hay ba tôi khám bệnh thấy bị ung thư tụy tạng, chỉ còn sống trong một thời gian ngắn và tôi phải về ngay. Dĩ nhiên tôi xếp đặt công việc để cấp tốc lên đường. Vừa lái xe tôi vừa cầu trời phù hộ cho ba, rồi tôi thấy trong trí hình ảnh ba nằm trong phòng ở bệnh viện, trên người gắn dây nhợ ống thuốc này kia, có em tôi và bà mẹ kế săn sóc bên cạnh, Nhưng tôi cũng thấy có những vị đứng giống như cột ánh sáng quanh giường, hình ảnh đó trong đầu làm tôi vững dạ, tin rằng mọi chuyện rồi sẽ tốt lành cho ba.

Tới bệnh viện tôi vào phòng ba và quang cảnh y hệt như tôi đã nhìn thấy khi trên đường về. Tôi thầm cúi chào và cám ơn các vị ấy, cầu xin thiên thần chữa bệnh trợ lực cho tôi và bắt tay ngay vào việc, mạnh mẽ đi sâu vào người ba moi móc vứt bỏ những tế bào bệnh, và khiến ánh sáng cùng tình thương tràn ngập thân xác ba. Nhưng một lực từ các thiên thần sáng chói đứng quanh ba đẩy tôi ra khỏi phòng, các ngài bảo:

– Cô chỉ có thể vào khi nào bình tâm trở lạị.

Tôi đứng ở hành lang bên ngoài, lòng trào dâng bao cảm xúc sôi nổi nên không sao tham thiền được: vừa tức giận, đau khổ vừa hoang mang. Mấy tiếng sau tôi quay vào lòng khiêm tốn và kính cẩn hơn. Những ngày sau đó em tôi và tôi thay phiên trực quanh ba suốt 24 tiếng đồng hồ, dần dần tôi cảm nhận là ánh sáng  quanh các thiên thần túa rộng ra hơn, chạm vào nhau tạo thành một ống sáng trắng vượt lên khỏi trần nhà như đường hầm. Tít trên cao ở đầu đường hầm là ông bà nội mỉm cười, vẫy chào, cho hay là ông bà sẽ ở đó sẵn sàng chào đón con út của ông bà là ba tôi. Vài ngày sau xuất hiện một dải ánh sáng vàng chói, uốn lượn bên ngoài cột ánh sáng trắng từ trên xuống tới dưới đáy, và tôi cảm thấy giờ phút đã tới cho ba đi suốt qua cột sáng lên trên. Cảm nhận này làm tôi chợt hiểu một bản thánh ca mà người da đen thường hát, lời ca nói rằng người ta sẽ mặc áo trắng gẩy cây đàn vàng khi về cõi trời.

Về sau tôi được thấy chư thiên nhiều lần nữa, đứng quanh giường trong phòng bệnh viện khi có người bệnh sắp ra đi. Khi đó tôi hiểu đây không phải là giờ phút để lo cứu chữa mà là lúc có sự phù trợ thanh tịnh, lặng yên.

                           ****************************

Hồi tôi còn nhỏ, ba tôi tham dự cuộc chiến Triều Tiên năm 1950 -1953. Ba mẹ quen nhau khi cả hai cùng hát trong ban hợp ca ở nhạc viện, hai người thuộc rất nhiều bài hát nên trước khi lên đường, ba mẹ giao ước là sẽ viết thư mỗi ngày cho nhau, ghi lại đã hát bài gì hôm đó. Tôi nhớ là thấy mẹ tôi thỉnh thoảng nghiêng đầu như lắng nghe từ xa rồi bắt vào một bài hát, chuyện kỳ lạ là hai người thường hát y một bài với nhau và cùng ngày giờ, tuy cách xa bao đường đất.

Một hôm mẹ lo lắng cho tôi hay rằng ba bị nguy hiểm và bảo tôi cầu nguyện cho ba. Tôi òa khóc, chạy vào phòng cầu trời với hết sức mình, lát sau tôi ngẩng đầu lên nhìn vào góc phòng thấy một thiên thần cao lớn vô cùng đang đứng ở đó. Tôi thấy lòng tràn ngập niềm vui và tình thương mà ngài tỏa ra, cảm biết là mọi chuyện sẽ tốt lành. Tôi chạy xuống nhà kể lại cho mẹ. Khi thư tới, ba thuật là suốt ngày hôm đó phải nằm dài trong ổ phòng thủ nhưng không biết sao, ba đột nhiên trở người qua bên và viên đạn nhắm vào tim vì vậy đi trệch, chỉ xuyên phớt qua trúng thịt không làm tử thương.

Greg Jordan

Tôi đã có kinh nghiệm cận tử (near death experience) nên không lạ lùng đối với chuyện khác thường. Vào cuối thập niên 1980, khi lái xe dọc con đường ở miền quê tới một khúc quanh khá gắt, vừa quẹo qua tôi đụng đầu máy cày có kéo theo xe rơm lớn đằng sau. Tôi đạp thắng thì hóa ra xe đang chạy trên tuyết đóng băng trơn trợt, xe không thể dừng lại mà tăng tốc độ lao vào hàng cây bên đường. Khi đầu tôi đâm xuyên qua tấm kính chắn gió, tôi cảm thấy có hai đôi bàn tay nắm chặt người tôi kéo về phía sau và đặt phịch xuống ghế. Tôi nghe thiên thần nói với nhau:

– Tôi nghĩ mình cứu được hắn lần này.

Tới bây giờ vết sẹo trên trán nhắc nhở tôi là có những thực thể mà sự hiện hữu vượt ra ngoài mức ghi nhận của ngũ quan con người.

 

Anita Phillips

Năm tôi lên bẩy ba mẹ ly thân, cho tôi cùng em gái năm tuổi vào sống trong nhà dòng. Tôi không thích chút nào cả nên ba ngày sau bỏ chạy vào rừng vừa chạy vừa khóc, vừa cầu nguyện cho ba mẹ đổi ý  sum họp lại với nhau, mang tôi và em tôi về. Tôi ngồi bệt xuống đất khóc nức nở, rồi cảm thấy hơi ấm mặt trời trên lưng. Vẫn còn nhắm mắt tôi ngửng đầu lên mở mắt ra, thấy ánh sáng chói lòa nhưng không bị quáng mắt, tôi đang ngồi trên thảm hoa trillium ba cánh màu trắng mọc phủ kín khu rừng, và bên trên thảm hoa chừng ba tấc có hai thiên thần đứng tỏa ra ánh sáng trắng ấm áp như ánh mặt trời hay ấm hơn. Tôi mê mẩn nhìn các ngài, cảm thấy nhẹ lòng và hết sức thư thái an lạc, sự tĩnh lặng kéo dài tưởng như vô tận, tôi không muốn nhúc nhích cử động, không muốn phá vỡ nỗi hân hoan tràn ngập trong lòng. Thời gian như đứng yên mãi mãi.

Rồi có tiếng chuông ngân báo hiệu giờ cơm chiều. Các thiên thần biến mất, tôi quay trở về nhà dòng và trong mười năm sống ở đó, hình ảnh này trở lại trong trí cho tôi sức mạnh mỗi lần gặp chuyện khó khăn phải giải quyết. Tôi vẫn luôn cầu nguyện cho ba mẹ trở lại như cũ, nhiều năm sau chuyện thành sự thật khiến tôi tin tưởng thêm là phép lạ xảy ra cho ai tin vào Minh Triết Thiêng Liêng.

 

Annette Weis

Vào dịp lễ Tạ Ơn, tôi lái xe từ New Jersey lên Boston đón con gái và hai bạn của nó ở đại học. Theo dự tính tôi sẽ thả hai bạn của con tại New York Thruway, có ba mẹ chúng chờ nơi đó. Trời u ám có tuyết rơi, con gái tôi ngồi băng trước còn hai bạn ngồi băng sau, vì phải chở nhiều hành lý nên tôi đi bằng xe station wagon. Tôi chạy lane tay phải bên trong, qua Massachusetts Turnpike xe cộ nườm nượp, làm như ai cũng muốn mau về nhà để chuẩn bị nghỉ lễ, không ai chạy đúng tốc độ mà lao vùn vụt, bạn không thể chạy như tốc độ ấn định hay hơn một chút. Chúng tôi bị kẹp giữa hai xe hàng 16 bánh, cái trước cái sau, riêng cái sau theo sát đuôi xe tôi mà không có ý qua mặt. Hai cô gái băng sau than phiền là bị đeo sát quá nên tôi muốn qua mặt xe hàng đằng trước. Tôi lách ra lane giữa và khi sắp qua mặt thì thình lình nó cũng đổi lane và đâm ra lane giữa như tôi. Cả xe tôi và xe hàng đằng sau bóp kèn vang dội, đèn bên hông xe hàng chỉ cách xe tôi một tấc, hai cô gái băng sau quay cửa sổ xuống la lối tài xế xe hàng. Tôi không biết tính sao, nếu chạy chậm lại thì phần sau xe hàng sẽ quét vào xe tôi mà đâm ra lane trái thì không được vì xe chạy chật kín.

Đang chạy với tốc độ hơn 120km /giờ, tôi bẻ sang bên trái theo một góc mà khi xe dừng lại thì nó nằm ngang, phân nửa trước của xe leo lên lề bên trái, phân nửa sau nằm chắn ngang lane trái, xe cộ dừng lại hết còn xe hàng phía trước nhấn ga vọt mất. Một người đàn ông cao lớn tóc quăn sậm màu, mặc áo vải ca rô đứng đối diện tôi, quay lưng lại dãy xe cộ dang hai tay ra hiệu dòng xe ngưng lại. Hai cô gái băng sau mở cửa xe bước ra và băng sang lề bên phải, con gái tôi và tôi vẫn còn ngồi trong xe. Tôi nhìn theo sự chỉ dẫn của người đàn ông, và không biết làm cách nào đã lái xe về được lề bên phải rộng hơn. Xem xét thì nói chung thấy xe không sao và chạy tiếp được, chỉ có thanh chắn đằng trước bị móp một chút. Tôi quay lại tính cám ơn thì không thấy ông đâu, xe cộ vẫn lao đi như mắc cửi làm tôi sợ hãi khi mở cửa lên xe.

Tới chỗ ngừng dọc đường, tôi cho xe đậu để nghỉ giây lát, toàn thân vẫn còn run. Chúng tôi nói về chuyện vừa xảy ra, tôi bảo không biết sẽ có việc gì nếu không được người đàn ông giúp đỡ, và cũng thắc mắc là làm sao ông xuất hiện quá nhanh, lòng tôi vẫn áy náy là chưa cám ơn được. Con gái tôi và hai cô bạn ngạc nhiên đồng hỏi:

– Người đàn ông nào ?

Con tôi mơ hồ có thấy bóng người nhưng nó không chắc lắm, còn hai cô gái thì không thấy ai cả.

 

Denis Gross

Bạn tôi Laura để ý không thấy con gái bốn tuổi chơi trước sân hơn một tiếng đồng hồ rồi. Trang trại rộng lớn nên Laura lo sợ, đi vòng quanh nhà tìm con, vừa đi vừa gọi. Vẫn không thấy con đâu, Laura chợt nhớ lại nơi đã cấm không cho con đến, đó là nhà cầu đã cũ bỏ phế nằm cách xa gian nhà chính. Kinh hoảng là không chừng con tới đó bước lên ván lót sàn mục nát và có thể rơi xuống hầm nước, Laura hối hả chạy ra chỗ này. Tim cô đập mạnh thêm khi thấy cánh cửa nhà cầu mở bung, gió thổi bật qua lại và không có ai đáp trả lời mình…

Bé gái được mang vào bệnh viện rửa ruột, bác sĩ cho uống trụ sinh và y tá băng bó những chỗ trầy trụa. Cái đáng nói ai cũng khen là không có khóc la hay rên rỉ, mà bé gái lại cười tươi. Laura khen con giỏi thì kinh ngạc nghe đáp:

– Cô thiên thần xinh đẹp ôm con, nói chuyện với con cho đến khi mẹ tới.

Tầu Trường Xuân

Biến cố 30 tháng 4, 1975 đã đẩy nhiều người Việt Nam tìm cách bỏ nước ra đi vì không thể sống dưới chế độ Cộng Sản. Gia đình tôi là một trong hàng trăm ngàn gia đình đã tìm đường ra đi vào ngày hôm đó.

Tôi và các anh chị làm theo những người khác là chạy xuống Kho Năm lúc 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4, đạp xe đạp trong sự sợ hãi, mãi rồi cuối cùng chúng tôi cũng đến được Kho Năm. Trong 18 năm sống ở Saigon, chưa bao giờ có dịp đi đến đây, vậy mà hôm nay chúng tôi đã đến. Người ta đã chen chúc nhau đầy nơi đây, đợi chờ để được phép vào cảng. Nhìn vào đó tôi thấy nhiều chiếc tàu to lớn đậu bên trong.

Khoảng 1 giờ đồng hồ sau đó, khi các anh chị của tôi đã thương lương với người gác cửa là chúng tôi để lại hai chiếc xe đạp, và chiếc Suzuki cho họ vì chúng tôi không có tiền mặt hay vàng gì cả,  tôi thấy mình và các anh chị ngồi trên những chiếc xuồng nhỏ để họ chở mình ra tàu lớn.

Khi đến bên hông tàu lớn, tôi không nhớ bằng cách nào mình đã leo lên được gần đến boong tàu,  lúc ấy đột nhiên có một bàn tay mạnh mẽ nắm cổ áo kéo mạnh và vứt tôi vào boong, tôi lồm cồm ngồi lên không nghĩ gì hết chỉ lo đi kiếm các anh chị của mình. Chuyện gì xảy đến 47 năm trước đã được ghi sâu vào ký ức như thể nó mới xảy ra vào tuần trước, để bây giờ tôi ngồi đây kể lại chuyện của mình và vẫn nhớ từng chi tiết một.

Ở trên tàu một thời gian, tôi được biết tàu chở gia đình mình và gần 4000 người khác  mang tên Trường Xuân. Sau nhiều tai nạn xảy ra cho tàu, đến ngày thứ 5 thì tàu chỉ còn tự để cho sóng xô đẩy trôi dạt đến đâu hay đến đó, nhưng ít nhất tàu đã ra ngoài hải phận quốc tế. Đa số mọi người trên tàu đã hết thức ăn và nước uống hai ngày trước, nên ai nấy đã kiệt sức nằm liệt trên boong tàu chật chội, trong số đó có cá nhân tôi. Tôi đoán chỉ cần thêm một ngày nữa mà không có tàu nào cứu thì tôi sẽ vĩnh biệt cõi đời, vì quá kiệt sức dưới ánh nắng mặt trời gay gắt.

Tôi nằm liệt đó, nhưng người chị kế ngồi sát bên mệt mỏi mà can trường muốn bảo vệ em mình, nên ráng ngồi thẳng như không có chuyện gì xảy ra. Không biết tình trạng này kéo dài bao lâu vì tôi cứ tỉnh rồi ngất, ngất rồi tỉnh nhiều lần như vậy, thì đột nhiên đám người chung quanh náo động nhộn nhịp hẳn lên, thì ra mọi người nhìn thấy một con tàu từ xa đã nhận được tín hiệu SOS của tàu Trường Xuân, nên đã đáp lại và trên đường đến gần tàu để quan sát.

Chuyện gì đến đã đến, chúng tôi được tàu Đan Mạch Clara Maersk nhận cứu. Họ thả những chiếc lưới khổng lồ xuống hông tàu cho ai khỏe thì leo lưới để lên boong, rất là cao. Đa số đàn ông con trai leo theo đường này. Đồng thời họ cũng bỏ một chiếc thang bằng sắt thật dài và thẳng băng, nhưng hẹp chỉ đủ cho một người trên đó mà thôi, để cho đàn bà trẻ con leo lên.

Mọi người xô đẩy chen lấn, lúc ấy chỉ còn tôi và người chị kế với nhau và ở vị trí thật xa để tới chiếc thang sắt này. Như những đợt sóng chúng tôi cứ để yên để bị xô tới đẩy lui, vì không nhúc nhích gì đi đâu được, thình lình tôi cảm thấy nặng vai bên phải nhìn qua thì thấy chị đã ngất, và đầu dựa hẳn vào vai tôi.

“Thôi chết rồi, làm sao mà leo lên đây.”  Ý nghĩ này đến ngay với tôi vì rõ ràng là tôi không còn sức lực nào hết, mà di chuyển được là do dòng người xô đẩy đi tới với người chị ngất trên vai mình.

Trong cơn tuyệt vọng tôi chợt nhớ đến các Chân Sư. Như người sắp chết vớ được phao, tôi vội cầu nguyện các ngài xin đưa hai chị em chúng tôi lên boong tàu. Khi ấy hai chị em tôi đã bị xô đẩy đến chân cầu thang, ngước nhìn lên thấy cao vút, tôi ráng đẩy thân hình không cử động của chị lên trước rồi tôi cố bước lên thang, vừa làm vừa cầu nguyện thì đột nhiên như trong giấc mơ  - vì tôi không cảm thấy là mình tỉnh táo cho lắm - tôi thấy mình nhẹ hẫng như được một đám mây đưa từ từ lên thang không cần cất bước, một thời gian không biết là bao lâu thì tôi thấy mình ở trên boong, tôi buông tay cho chị rơi nằm xuống sàn tàu, bỏ chị nằm đó vì đầu óc tôi còn ngất ngư không tỉnh táo, tôi lạng quạng đi tìm nước uống rồi sau đó trở lại tìm chị sau. Về sau này gặp lại người đã cho tôi hớp nước đầu tiên, họ kể lại rằng khi ấy tôi như thây ma, xanh xao đi đứng không vững. Họ đã dìu tôi vào chỗ họ ngồi và cho uống nước, sau một lát thì tôi lấy lại sức nên họ để tôi đi tìm chị tôi.

Cảm giác nhẹ bổng đi trên mây này không bao giờ tôi quên được, như đã nói, chuyện như mới xảy ra tuần trước hay mới chỉ hôm qua.

TT